Sự kiện

Vén màn bí ẩn biểu tượng Phật giáo Tây Tạng

Trong Phật giáo Tây Tạng, tám biểu tượng tốt lành và ba thủ ấn là những hình ảnh mang triết lý cốt lõi được lặp đi lặp lại nhiều lần ở các bức minh họa, trang trí.

phat giao anh 1

Hình ảnh minh họa bánh xe pháp luân. Nguồn: Giác ngộ.

Ngày 23/9, nhân dịp ra mắt cuốn sách Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng của tác giả Robert Beer, Trung tâm Thông tin Thư viện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cùng công ty sách Zenbooks đã tổ chức tọa đàm xoay quanh chủ đề những biểu tượng, mô típ và các vị thần trong Phật giáo Tây Tạng.

Trong khuôn khổ sự kiện, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng – diễn giả chương trình – và TS Đỗ Trần Phương – Giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội – đã lý giải về tám biểu tượng và ba thủ ấn. Đây cũng là những hình ảnh được họa sĩ Robert Beer khảo sát trong tác phẩm của mình.

Ý nghĩa của tám biểu tượng tốt lành

Trong Phật giáo Tây Tạng, tám biểu tượng tốt lành (auspicious symbol) được sử dụng một hình thức tổng lược các triết lý về cuộc sống và con người. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, những biểu tượng này xuất hiện trong nhiều tôn giáo Đông Nam Á, bao gồm cả Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Tuy có những khác biệt nhỏ về mặt ý nghĩa, nhưng các biểu tượng đều dựa trên một nền tảng chung từ dòng tu bên Tây Tạng.

Tám biểu tượng trong Phật giáo Tây Tạng bao gồm: lọng bảo vệ (che chở khỏi mọi trở ngại), hai con cá Song Ngư (tự do trong luân hồi), bảo bình (sự phong phú, viên mãn), hoa sen (sự tinh khiết và giác ngộ), ốc xà cừ (tiếng gọi thức tỉnh tâm linh), phướn chiến thắng (chiến thắng những trở ngại tinh thần), nút thắt vô tận (sự hài hòa giữa trí tuệ và từ bi), và bánh xe Pháp Luân (biểu tượng của giáo lý Phật giáo).

phat giao anh 2
Nhà nghiên cứu phê bình Phan Cẩm Thượng chia sẻ tại buổi tọa đàm về sách Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng. Ảnh: Zenbooks.

Các biểu tượng này không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo mà còn tượng trưng cho sự giao thoa văn hóa. “Trong Phật giáo Trung Quốc, tám biểu tượng này có điểm tương đồng với Việt Nam nhưng một vài khác biệt cũng được khắc họa rõ nét. Điều này cho thấy sự đa dạng trong văn hóa tôn giáo”, nhà phê bình văn hóa Phan Cẩm Thượng cho biết.

Ông cũng nhấn mạnh rằng biểu tượng đầu tiên và quan trọng nhất là Pháp luân (Dharmacakra) – biểu tượng của bánh xe pháp. Bánh xe này tượng trưng cho sự luân hồi, sự chuyển động không ngừng của vũ trụ, và cũng là biểu tượng cho sự lan tỏa và truyền bá giáo lý của Phật.

Bánh xe Pháp luân có nguồn gốc từ hình ảnh Mặt trời – một biểu tượng quan trọng trong nhiều tôn giáo, đại diện cho sự sống và sự phát triển. Trong Phật giáo, bánh xe pháp biểu hiện cho sự giác ngộ, chuyển hóa và phát triển tinh thần. Đây cũng là biểu tượng phổ biến trên các kiến trúc Phật giáo ở nhiều nơi.

Ngoài ra, tám biểu tượng này cũng có thể tìm thấy trong các di tích và công trình Phật giáo ở nhiều nơi, như ở Huế của Việt Nam. Tại đây, các biểu tượng này đôi khi được biến đổi đôi chút để phù hợp với văn hóa bản địa, tạo ra một sự kết hợp độc đáo giữa Phật giáo và các tôn giáo khác.

Lý giải ba thủ ấn thường thấy trong Phật giáo

Cùng với tám biểu tượng, các thủ ấn cũng là điểm đặc trưng trong Phật giáo Tây Tạng. Chúng là những thế tay biểu hiện những ý niệm trừu tượng và phức tạp.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhận định rằng thủ ấn không chỉ xuất hiện trong Phật giáo mà còn có mặt ở nhiều tôn giáo và nền văn hóa khác nhau, mỗi nơi lại có ý nghĩa riêng. Tuy nhiên, trong Phật giáo, thủ ấn thường được sử dụng trong các nghi lễ, thể hiện sự kết nối giữa con người và thế giới tâm linh.

Ba thủ ấn quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng mà ta thường thấy là: ấn thiền định, ấn hiệp chưởng, và ấn giác ngộ. Ấn thiền định, hay “Meditation Mudra”, biểu thị sự tập trung sâu sắc vào bản thể nội tại, nơi con người gạt bỏ mọi sự phân biệt giữa thiện và ác, đúng và sai, để trở về với bản thể nguyên thủy. Thủ ấn này thể hiện trạng thái tĩnh lặng, vô tư vô ngã, khi hành giả chìm đắm vào sự giác ngộ của Như Lai.

phat giao anh 3

Tác phẩm Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng của tác giả Robert Beer và cuốn sách Văn minh Vật chất người Việt. Ảnh: Zenbooks.

Ấn hiệp chưởng, được tạo nên khi hai bàn tay chắp lại, biểu thị sự hợp nhất giữa hai mặt đối lập trong cuộc sống. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, ấn hiệp chưởng thể hiện sự kết hợp giữa tốt và xấu, phải và trái, giúp con người nhận ra rằng cuộc sống luôn tồn tại sự cân bằng giữa hai mặt đối lập. Thủ ấn này là biểu tượng của hòa hợp và thống nhất, khuyến khích con người không nên quá phân biệt, mà hãy chấp nhận và dung hòa mọi mặt của cuộc sống.

Cuối cùng, ấn giác ngộ là biểu tượng cho sự hoàn thiện của con đường tu hành, khi con người đã đạt đến đỉnh cao của trí tuệ và giác ngộ. Đây là giai đoạn mà hành giả không còn bám víu vào những giá trị vật chất hay sự phân biệt trong thế gian, mà trở thành một phần của vũ trụ vô biên.

Những thủ ấn trong Phật giáo Tây Tạng không chỉ mang giá trị tâm linh mà còn thể hiện các nguyên tắc triết học về sự tồn tại và giác ngộ. “Các thủ ấn này thường được khắc họa trên các bức tượng Phật, giúp người xem hiểu rõ hơn về con đường tu tập và ý nghĩa sâu sắc của mỗi giai đoạn trong quá trình tu hành”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng lưu ý.

TS Đỗ Trần Phương (Giảng viên tại Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng việc giải mã các thủ ấn này giúp con người hiểu rõ hơn về tư tưởng Phật giáo. Đồng thời các nhà nghiên cứu văn hóa có thể từ nền tảng này mở ra cánh cửa để nghiên cứu sâu hơn về lịch sử của các tôn giáo khác.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu các biểu tượng ngôn ngữ trong Phật giáo Tây Tạng ngày càng giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về văn hóa tâm linh. Các công trình phần nào đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa tinh thần của nhân loại.

(Nguồn: znews.vn)