Sáng nay, hơn 100 độc giả từ nhiều lứa tuổi, trong đó có sự góp mặt của các đạo diễn, nhà làm phim, giảng viên và đông đảo các bạn sinh viên yêu thích điện ảnh đã tới tham dự sự kiện ra mắt cuốn sách “Hướng dẫn viết về phim” của Giáo sư Timothy Corrigan tại Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Sự kiện có sự tham gia của Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Nhuệ Giang; ông Nguyễn Hoàng Phương, Phụ trách điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, và nhà phê bình Mai Anh Tuấn, giảng viên Khoa Viết văn Báo chí Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
Đại biểu ngoài trường đến tham dự gồm:
– Nhà biên kịch phim điện ảnh Bành Mai Phương, Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội
– NSND Nguyễn Hà Bắc, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Việt Nam
– TS. Nguyễn Huy Chương, Chủ tịch Liên Chi hội Thư viện các trường Đại học, Cao đẳng khu vực phía Bắc; Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức Số.
Đại biểu trong trường đến tham dự gồm:
– TS. Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó trưởng Khoa Thông tin Thư viện
– Ths. Hoàng Trung Thanh, Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng Giáo dục.
Mở đầu buổi trao đổi, nhà phê bình Mai Anh Tuấn nhận định: “Tồn tại khoảng trống cho một công cụ về điện ảnh cung cấp kiến thức với những cập nhật mới nhất”. Cuốn sách “Hướng dẫn viết về phim” chính là nỗ lực để lấp đầy khoảng trống ấy. Đây là ấn bản được tái bản có bổ sung, sửa chữa từ cuốn “Hướng dẫn viết về phim” (tác giả Timothy Corrigan, dịch giả Đặng Nam Thắng, do NXB Tri thức, Nhã Nam và Dự án Điện ảnh quỹ FORD, Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội ấn hành năm 2010).
Cuốn sách vừa là giáo trình vừa là tài liệu dễ hiểu cho người mới bắt đầu, cung cấp các khái niệm và công cụ về điện ảnh, hướng dẫn cách triển khai ý tưởng và viết phê bình điện ảnh. Điều này khác biệt so với nhiều giáo trình và sách điện ảnh hiện có ở Việt Nam, vốn thường nặng về lý thuyết.
Nghệ sĩ nhân dân Phạm Nhuệ Giang, một trong số ít đạo diễn nữ của Việt Nam nhận xét rằng, bà thấy đây là một cuốn sách dễ hiểu, dễ tiếp cận so với rất nhiều cuốn sách mang tính giáo trình trước đây từng được dịch ở Việt Nam. Nó có tính cập nhật, cụ thể, có các bài mẫu và mở rộng về lịch sử điện ảnh thế giới.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, bà thừa nhận rằng sau nhiều năm, các trường vẫn chưa có giáo trình cụ thể cho từng chuyên ngành và phải phụ thuộc nhiều vào bài giảng của từng giảng viên. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của cuốn sách trong việc gợi mở những cách tư duy và tiếp cận mới, có hệ thống về phim.
Nhận thấy đông đảo các bạn trẻ có mặt trong khán phòng sự kiện, ông Nguyễn Hoàng Phương, Phụ trách điều hành Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD), đã có những chia sẻ về sự quan tâm ngày càng tăng của thế hệ GenZ đối với điện ảnh. Ông so sánh với trải nghiệm của thế hệ Gen Y, khi họ được chứng kiến nhiều sự kiện điện ảnh đương thời nhưng thiếu một không gian để trao đổi và chia sẻ.
Ông Phương cũng đề cập đến những thách thức mới đối với phê bình phim trong thời đại mạng xã hội. Mặc dù việc đánh giá phim đã trở nên tự do và phong phú hơn, nhưng cũng xuất hiện những vấn đề nhức nhối, được coi là mặt trái của mạng xã hội như truyền thông bẩn, thiếu kiểm soát về ngôn từ trong tranh luận phê bình phim, và tin giả.
Buổi thảo luận càng thêm sôi nổi và sâu sắc với chia sẻ của NSND Nguyễn Hà Bắc, người được coi là lão tướng trong lĩnh vực phim hoạt hình Việt Nam.
Với kinh nghiệm phong phú trong ngành và từng đóng vai trò giám khảo tại nhiều liên hoan phim quốc tế, đạo diễn Nguyễn Hà Bắc nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến thức cơ bản mà cuốn sách cung cấp cho việc phê bình phim. Ông cũng bổ sung rằng người thưởng thức cần có nền tảng kiến thức về nhiều lĩnh vực như điện ảnh, hội hoạ, văn học, âm nhạc.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó trưởng Khoa Thông tin Thư viện Trường ĐH Văn hóa HN cũng bày tỏ sự tâm đắc với những chia sẻ của các diễn giả và đặc biệt là sự yêu thích đối với cuốn sách của Corrigan, một trong những nhà phê bình lý luận nổi tiếng nhất thế giới. Cô cho rằng cuốn “Hướng dẫn viết về phim” sẽ là tài liệu tham khảo rất bổ ích cho các sinh viên khoa mình.
Kết thúc phần trao đổi của các diễn giả, phần giao lưu với các bạn độc giả cũng diễn ra hết sức sôi nổi, với nhiều câu hỏi mở rộng từ các bạn đọc yêu môn nghệ thuật thứ bảy. Nhiều bạn đọc đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và niềm đam mê mãnh liệt với điện ảnh thông qua những chia sẻ của mình.
Đáp lại sự nhiệt tình của độc giả, các diễn giả đã có những câu trả lời thấu đáo và gợi mở. Không chỉ chia sẻ về điện ảnh nói chung, với tư cách là những chuyên gia trong nghề, các diễn giả còn đưa ra những gợi ý quý báu về quá trình tìm hiểu để nâng cao năng lực phê bình phim. Sự tương tác này tạo nên một không gian trao đổi tri thức đầy ý nghĩa, góp phần thúc đẩy văn hóa thảo luận và phê bình điện ảnh tại Việt Nam.
Với sự đón nhận nồng nhiệt từ nhiều đối tượng độc giả, cuốn sách hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức và kỹ năng phê bình điện ảnh, góp phần vào sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam trong tương lai.
Cảm ơn chia sẻ quý báu của các diễn giả trong sự kiện hôm nay. Cảm ơn các đạo diễn, chuyên gia, các thầy cô giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, các anh chị phóng viên báo chí và đông đảo các bạn độc giả đã tới tham dự và giao lưu tại sự kiện.
Nhã Nam đặc biệt cảm ơn các cán bộ Trung tâm Thông tin Thư viện, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã chuẩn bị và hỗ trợ vô cùng chu đáo trong công tác tổ chức sự kiện.
Cảm ơn Là Việt Coffee đã tặng đồ uống cafe, trà và bánh trong suốt sự kiện, giúp sự kiện thêm trọn vẹn.
Hẹn gặp lại các bạn tại sự kiện tiếp theo!
(Nguồn: Nhã Nam)